-
Trang chủ
- Nhiễu thông tin bất động sản: “Pháp luật không cấm”
Nhiễu thông tin bất động sản: “Pháp luật không cấm”
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng về câu chuyện thị trường bất động sản đang bị “nhiễu” thông tin do thiếu nguồn chính thống, trong khi lại có phần “bội thực” thông tin ở dạng tham khảo, khiến cho người mua nhà có cảm giác bị lạc vào “ma trận thông tin”.
Có điểm đáng chú ý, sau những lùm xùm về việc cơ quan này khá “kín tiếng” với truyền thông - cho dù Chính phủ đã có quy định các bộ ngành phải định kỳ hàng quý phải cung cấp thông tin cho báo chí dưới dạng họp báo hoặc gửi văn bản…thì, một cuộc họp báo định kỳ lần đầu tiên trong nhiều năm qua đã được Bộ Xây dựng tổ chức vào chiều 2/8 với mục đích cung cấp các thông tin về hoạt động của Bộ và các lĩnh vực phụ trách.
Liên quan đến chủ đề “nhiễu” thông tin về thị trường bất động sản, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh khẳng định, hệ thống thông tin thị trường bất động sản rất quan trọng. Bởi lẽ, có rất nhiều các bên cần tới thông tin. Các cơ quan quản lý nhà nước phải dựa vào hệ thống thông tin để đánh giá, còn doanh nghiệp cần để giao dịch, mua bán.
“Bộ Xây dựng hàng tháng đều có báo cáo lên Bộ trưởng về tình hình thị trường bất động sản, về giá cả, thanh khoản từ nguồn địa phương gửi về”, ông Ninh cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Ninh, hiện pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin, vấn đề người sử dụng thông tin phải biết chọn lọc vì có những báo cáo không giống nhau và chưa chuẩn xác.
Trên thực tế, Chính phủ đã có Nghị định 117/2015 về hệ thống quản lý thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó quy định rõ thông tin phải chính thống từ xã phường, quận, huyện phải liên thông với nhau, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu.
Hiện Bộ đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu này, nhưng nhanh nhất cũng phải cuối năm nay mới xong. Sắp tới sẽ làm việc với các tỉnh để đẩy mạnh kết nối thông tin từ cơ sở. Thực tế các quy định về pháp lý đã có rồi nhưng phải căn cứ vào nhiều vấn đề khác nữa, bao gồm cả chuyện ngân sách triển khai.
“Còn trước mắt, Bộ Xây dựng vẫn phải sử dụng phương pháp thủ công, tập hợp từ các địa phương”, ông Ninh nói.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, Chính phủ đã có hẳn một nghị định 117 để nói rõ về vấn đề này, vì thông tin bất động sản nó liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản là cơ quan được giao chính thức thu thập và công bố các số liệu liên quan đến thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện có rất nhiều kênh cung cấp thông đến thị trường bất động sản, nhưng vì là thị trường nên không thể cấm được.
“Về mặt quản lý nhà nước thì phải kiểm soát những thông tin đó để tránh làm sai lệch thông tin, dẫn đến rối loạn thị trường”, ông Hùng khẳng định.
Trước đó, báo chí phản ánh, dù được xem là một lĩnh vực quan trọng, khá nhạy cảm, song những thông tin về thị trường bất động sản lại quá nghèo nàn, lại được công bố bởi những đơn vị, doanh nghiệp tư vấn trong và ngoài nước là chủ yếu.
Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, hầu như không có chuyện cập nhật thường xuyên và cung cấp những thông tin chính thống về thị trường bất động sản, khiến cho các cơ quan truyền thông lẫn người mua nhà gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và chắt lọc thông tin.
Đơn cử như thông tin về diễn biến thị trường bất động sản của Hà Nội, Tp.HCM…trong một quý chủ yếu được thực hiện bởi các đơn vị tư vấn bất động sản dưới dạng “thông tin tham khảo”. Do đó, có thể vì phương pháp khảo sát cũng như mục đích khác nhau, các đơn vị tư vấn đã đưa ra những thông tin, số liệu khác nhau về cùng một thị trường.